top of page
Search

NHÀ HÀNG HẢI MÊ TRỒNG DƯA LƯỚI NHẬT BẢN

Ít ai nghĩ Trần Phong Lan, ông chủ 4ha dưa lưới, đồng thời là giám đốc công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Hải Âu (Seagull ADC), từng là sĩ quan tàu biển viễn dương. Lan bảo mình là con nhà nông, sinh ra ở vùng đất Cần Thơ, mơ làm nông nghiệp từ thời niên thiếu, nên sau này, dù lập nghiệp, rồi thành công với nghề tàu biển, anh vẫn nung nấu…


TRỒNG DƯA KIỂU... ISAREL

Một ngày đầu tháng 6, nhóm làm truyền thông BSA thăm trang trại dưa lưới 4ha của Trần Phong Lan ở huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Dù mới sản xuất ba năm nay, nhưng tháng 3.2018, trang trại này đã đạt chứng nhận GlobalG.A.P và đến tháng 5 thì được hội DN.HVNCLC trao chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập. Dẫn nhóm đi thăm từng luống dưa, Trần Phong Lan say sưa nói về quy trình trồng dưa lưới. Theo anh, trại dưa đang áp dụng công nghệ canh tác của Israel, đó là sử dụng hệ thống nhà màng quản lý nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, khí hậu; sử dụng hệ thống tưới tự động đến từng gốc dưa. Dinh dưỡng nuôi cây dưa hàng ngày được tính toán dựa trên nhu cầu sinh trưởng của cây. Qua từng giai đoạn, các kỹ sư nông nghiệp phối trộn từng loại phân rồi đưa vào hệ thống bồn trộn, hoà tan rồi cho chảy vào hệ thống tưới.


Thời gian đầu, anh Lan nói do trang trại đặt tại huyện Dương Minh Châu, vùng đất có khí hậu quá khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm, thiếu nước tưới, sâu bệnh, đất bạc màu nên năng suất không đạt, thậm chí có vụ gần như mất trắng. Nếu không vững tin, có thời điểm, Trần Phong Lan và những người bạn của anh có thể phải sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật để giải quyết.Điều này đi ngược lại mục tiêu làm nông nghiệp sạch của anh. Tuy nhiên, sau nhiều tháng cất công sang tận Israel nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu thêm mô hình trồng dưa lưới của Nhật, Lan đã tìm ra lời giải.


“Nhờ hệ thống nhà màng và tưới tự động giúp cây dưa luôn đủ dinh dưỡng, độ ẩm và ánh sáng. Ngoài ra, các kỹ sư nông nghiệp của trang trại còn mày mò nghiên cứu, sử dụng các loại thiên địch; hỗn hợp thực vật là nguồn tài nguyên hiện có tại địa phương như ớt, tỏi, gừng và một số loại thảo mộc khác để phòng trừ sâu bệnh”, anh Lan nói.


Dù áp dụng quy trình công nghệ cao vào trồng trọt, nhưng do sản xuất thiên về hướng hữu cơ nên trong trại dưa Hải Âu, chúng tôi để ý vẫn có từng tốp công nhân tỉ mỉ nhổ từng cây cỏ dại chung quanh gốc dưa. Trần Phong Lan giải thích, anh không xài thuốc diệt cỏ, vì như vậy sẽ phá vỡ “tính tự nhiên” trong khu trại. Trang trại cũng chỉ sử dụng phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ chứ không xài hoá học; nên đất trồng lúc nào cũng tơi, xốp.


“Chứng nhận GlobalG.A.P còn đòi hỏi truy xuất nguồn gốc và ở đây, những cán bộ kỹ thuật đang phải cập nhật chi tiết từng thông số của cây dưa vào hệ thống máy tính”, anh Lan giải thích thêm như vậy.



MÊ LÀM NÔNG HƠN LÁI TÀU BIỂN

Năm 2013, dù đang giữ vai trò thành viên HĐQT công ty cổ phần Trục vớt cứu hộ Việt Nam; chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Seagull, nhưng với niềm đam mê nông nghiệp cháy bỏng, Trần Phong Lan quyết định cùng nhóm bạn góp vốn thành lập công ty cổ phần nông nghiệp Hải Âu. Trước đó, Lan có thời gian ngắn “thực tập” trồng dưa trên diện tích 5.000m2 ở Cần Thơ, trước khi quết định bỏ ra 30 tỷ đồng đầu tư trang trại dưa ở Tây Ninh. Và đến nay, sau năm năm lăn lộn với nghề nông, trang trại này đã đem về cho Lan thành quả 200 tấn dưa lưới mỗi năm, với các dòng sản phẩm mang thương hiệu Biển Hoàng Gia có ruột màu cam, Biển Ngọc Bích có ruột màu xanh. Lan giải thích, mình đã, đang làm nghề thuỷ thủ nên muốn sử dụng từ Biển trước mỗi sản phẩm, chứ không có ý gì khác.


Trước mắt, dưa lưới của Lan tiêu thụ ở thị trường nội địa như TP.HCM, Cần Thơ, Nghệ An... Còn tới đây, Lan tiết lộ đã làm việc với nhiều đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, và hy vọng sẽ xuất khẩu được vào hai thị trường này.


Lan sinh ra trong gia đình thuần nông, nghèo tại Cần Thơ, nên đã quá quen thuộc với ruộng đồng, lúa gạo. Tuy nhiên, từ nhỏ, chàng trai sinh năm 1976 này đã có ý thức vươn lên để thoát cảnh nghèo đó. Lan nói sau khi học xong cấp 3, anh bắt đầu lao vào con đường học tập, tìm kiếm tri thức để mong có công việc ổn định; và thế rồi Lan trở thành sĩ quan tàu biển của công ty Vitranschat. Sau nhiều năm bôn ba, tích cóp kinh nghiệm ở Vitranschat, Lan quyết định thành lập công ty vận tải dầu khí Hải Âu (chuyên đầu tư, quản lý và khai thác tàu, đặc biệt là tàu dầu, các dịch vụ hàng hải, đại lý tàu biển, kinh doanh mua bán các sản phẩm dầu mỏ, hoá chất, nhiên liệu cho tàu biển và đại lý phân phối xăng dầu nội địa). Mới đây nữa, Lan còn mở thêm nhiều công ty khác…


Dù đang thành công trên nhiều cương vị, nhưng Trần Phong Lan vẫn quả quyết: “Làm nông nghiệp là mơ ước của tôi từ khi 19 – 20 tuổi”. Đến với nông nghiệp, điều đầu tiên Lan nhận thức đó là phải làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Và công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Hải Âu (Seagull ADC) cũng ra đời từ quan điểm đó. Để đi đúng hướng nông nghiệp sạch, Lan đã cất công tìm đến nhiều trang trại sản xuất hữu cơ, trong đó người anh quý trọng và học được nhiều kinh nghiệm nhất, đó là ông Võ Minh Khải (trước đây quản lý trang trại hữu cơ Viễn Phú).



“Mình thuộc lớp nông dân trẻ, phải hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại chứ không đơn thuần là nông nghiệp thuần tuý như bà con nông dân trước đây.Phải làm được gì đó cho ngành nông nghiệp Việt Nam, mang đến cho người tiêu dùng Việt những lợi ích thiết thực”, Trần Phong Lan tâm sự.


Theo anh, cũng nhờ áp dụng công nghệ mà một quả dưa lưới nhập khẩu từ Nhật Bản nặng khoảng 2kg có giá trên dưới 1 triệu đồng, giá này thì chỉ dành cho những người có tiền, tầng lớp thượng lưu là chính. Còn cũng sản phẩm dưa như vậy, lấy giống từ Nhật, trồng ở Việt Nam, chất lượng không hề thua kém, nhưng giá bán chỉ vài trăm nghìn đồng/trái. Đổi lại, người tiêu dùng không cần phải giàu có vẫn có thể tiếp cận.


Chia sẻ của Trần Phong Lan:

“Mình thuộc lớp nông dân trẻ, phải hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại chứ không đơn thuần là nông nghiệp thuần tuý như bà con nông dân trước đây. Phải làm được gì đó cho ngành nông nghiệp Việt Nam, mang đến cho người tiêu dùng Việt những lợi ích thiết thực”.


Theo Anh Tuấn TGTT


Comments


bottom of page